50 sắc thái của tôi khi đọc Chiến tranh và Hòa bình


Tôi đọc Chiến tranh và Hòa bình bắt đầu từ ngày 15.11 đến ngày 8.12.2016, nghĩa là trong 24 ngày. Đó là 24 ngày vô cùng gian nan, cực khổ, nhức đầu. Cho đến giờ phút này, quả thực trong đời tôi chưa đọc cuốn sách nào gây thách thức nhiều như Chiến tranh và Hòa bình.

Đã nhiều lần ý nghĩ “hay là mình tạm dừng đọc cuốn này” thoáng qua trong đầu tôi. Nhưng tôi biết, nếu mình bỏ cuốn này sang cuốn khác, khả năng rất cao là cuốn này sẽ mãi dang dở, hoặc khi tôi muốn đọc tiếp thì không còn nhớ những đoạn mình đã đọc và phải đọc lại từ đầu. Trong 24 ngày đọc sách, nhiều lúc Chiến tranh và Hòa bình khiến tôi nhức đầu đến mức khi đang đọc được khoảng 50% sách, tôi đã tạm nghỉ ba ngày để xem… You who came from the stars nhằm xả stress. Bộ phim hài này tiếp thêm năng lượng giúp tôi tiếp tục đọc phân nửa còn lại của sách. Ngày chính thức đọc xong Chiến tranh và Hòa bình, tôi như phát điên vì vui sướng, tôi không ngừng tự thì thầm: “Mình đọc xong rồi. Mình đọc xong rồi. Đã đọc xong Chiến tranh và Hòa bình rồi.” Có quá nhiều sắc thái cảm xúc quyển tiểu thuyết này đã mang đến cho tôi trong suốt hơn ba tuần đọc nó, nhiều đến mức tôi nghĩ khi thống kê lại biết đâu đủ 50 sắc thái thì sao? Quả thực, Chiến tranh và Hòa bình giúp tôi hiểu hơn câu nói của Italo Calvino trong If one a winter’s night a traveler (nếu tôi nhớ không nhầm ông đã nói như vậy) rằng đôi khi đọc sách cũng chẳng khác gì làm tình. Những cảm xúc ngổn ngang Chiến tranh và Hòa bình đem đến cho tôi đúng là cũng không khác mấy một cuộc ân ái. Vì vậy, ở đây tôi chỉ muốn thử thống kê lại các mức độ cảm xúc của mình và kể lể về quá trình đọc nó hơn là viết một bài review chỉn chu về tác phẩm.

#1 Hoảng sợ

Tôi thấy Chiến tranh và Hòa bình trưng bày trong nhà sách hay thư viện từ khi còn rất nhỏ. Cảm xúc mơ hồ mà tôi nhớ được là hoảng sợ. Và lẽ dĩ nhiên, lúc đó, suy nghĩ rằng mình sẽ đọc nó không hề mảy may xuất hiện trong tôi.

#2 Mình sẽ không đọc nó

Đó là suy nghĩ của tôi vào năm nhất đại học. Tôi biết rằng đây là quyển sách kinh điển, chí ít cần phải đọc đối với người muốn theo đuổi nghiệp văn chương. Tuy nhiên, nó quá dày và “nhiều người đã đọc nó quá rồi, nên mình đọc nó thì mình cũng giống như họ thôi, nên mình không đọc nó đâu,” tôi đã nghĩ như thế. Thế là những năm đại học, trong cơn say học tiếng Nhật như điên cuồng vì mê mẩn văn hóa Nhật, tôi gần như chỉ tìm đọc các tác phẩm văn học Nhật đương đại, bỏ qua hầu hết các tác phẩm văn học kinh điển khác trên thế giới, không hề cho bản thân mình một chút cơ hội tiếp xúc với văn học Nga dù thầy cô trong trường luôn nhắc đi nhắc lại các tác phẩm kinh điển của nền văn học này.

#3 Mình sẽ đọc nó vì em

Vào năm ba, tôi quen em. Tôi rất nể phục em vì em đã đọc hết sách triết học của những triết gia lớn cần phải đọc, em cũng đọc rất nhiều tiểu thuyết dày cộp của các tác giả đoạt giải Nobel, những tác phẩm văn học kinh điển thế giới, những công trình nghiên cứu tâm lí quan trọng… tất cả em gần như đều đã đọc qua. Em say mê Dos, bao lần em nhắc về ông với tôi. Em đọc Tội ác và Hình phạt, Anh em nhà Karamazov không phải chỉ một mà đến những hai, ba lần. Một lần, em tâm sự với tôi, em đang đọc Chiến tranh và Hòa bình, đây rõ ràng chẳng phải là tác phẩm khó đọc, khó hiểu, ngôn ngữ viết rõ ràng, sáng sủa, thế mà em chỉ đọc được một phần ba quyển đầu tiên trong bộ sách in tác phẩm này thành ba quyển rồi đành phải tạm ngưng để đọc quyển khác. Em nói với sự tiếc nuối và cả chút cảm giác ấm ức, em làm kí hiệu tay với ngón cái và ngón trỏ giơ ra trong khi ba ngón kia thì khép lại để chỉ độ dày của phần em đã đọc: “Em chỉ mới đọc được có chừng này này, có chừng này này thôi này. Mà một quyển nó dày chừng này này. Mà nó không chỉ có một quyển mà đến ba quyển.” Tôi xoa đầu em và mỉm cười. Với tôi, khi ấy em thật đáng yêu, một người say mê đọc, một người say mê tìm hiểu những khả thể của con người, của thế giới. Tôi nói với em rằng tôi sẽ đọc nó cùng em, để em có bạn đồng hành, để chúng ta có thể cùng thảo luận về nó sau khi đọc xong, để em không cô đơn, để tôi hiểu em hơn khi đọc những gì em đã đọc. Tôi có thực sự đã nói với em vào lúc đó như thế không nhỉ? Hay đấy chỉ là những suy nghĩ trong đầu tôi chưa kịp thốt lên thành tiếng? Dù sao, tôi nhớ rằng em đã nói em không muốn bỏ dở tác phẩm này, em muốn đọc hết nó. Và rồi, chúng tôi xa nhau. Bây giờ, em đã đọc hết chưa?

#4 Thắc mắc

Sau khi đã đọc một số sách của Dos, tôi hết sức thắc mắc vì sao một người thích Dos như em, đã tiêu hóa được những tác phẩm triết học nặng kí lại gặp phải khó khăn lớn như thế khi đọc Chiến tranh và Hòa bình? Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng tò mò. Tác phẩm ấy có gì mà khiến em của tôi khổ sở như thế?

#5 Quyết chí đọc

Sau bốn năm chia tay em, cuối cùng tôi quyết tâm phải dành thời gian đọc cho xong Chiến tranh và Hòa bình. Thứ nhất, để thực sự biết trong tác phẩm ấy có gì khiến nó trở thành vĩ đại, khiến Dos yêu mến Lev, không ngừng nhắc về nó, cũng như các tác phẩm khác của Lev trong The Raw Youth. Thứ hai, tôi muốn những gì em của ngày đó đã dang dở (không cần biết bất kể hiện tại em đã hoàn thành chưa) phải được tôi của bây giờ hoàn thành và như thế tôi mới có cảm giác rõ ràng hơn rằng chuyện của chúng ta đã thực sự kết thúc.

Như thế, tôi đã bắt đầu đọc Chiến tranh và Hòa bình với hai ý nghĩa lớn nhất tự trao cho hành động này mà có vẻ như chúng không liên quan gì nhau là: để hiểu vì sao Dos yêu Lev, để thực sự chia tay với em trong tâm tưởng sau khi đã hoàn thành việc hai ta dang dở ngày đó.

#6 Hứng thú

Khoảng 100 trang đầu tiên của Chiến tranh và Hòa bình khiến tôi rất hứng thú, mọi thứ lướt êm như nhung với những buổi tiệc tổ chức tại nhà bà Anna Pavlovna, với những cuộc tán gẫu của giới quí tộc, những suy tư của Pierre, Andrei. Thực sự, chưa có gì làm khó tôi cả. Quyển tiểu thuyết này có hơi dài một chút thôi nhưng nó được viết bằng văn phong rất dễ hiểu, không chút gì đánh đố. Như vậy, chỉ cần kiên trì đọc từng chút một thì sẽ hết thôi mà. Cớ sao nó lại được xếp vào danh sách những quyển tiểu thuyết dễ bị đọc dang dở nhất trên thế giới? Tôi thật sự không hiểu nổi.

#7 Tá hỏa tâm tinh

Sau khoảng chừng 200 trang yên bình đầu tiên, tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi đọc đến phần chiến tranh. Những đoạn miêu tả hòa bình đã kết thúc, Lev bắt đầu miêu tả lại trận chiến đầu tiên trong truyện: trận Schongrabern. Với tôi, đọc trận này chán kinh hồn. Chán và nhức đầu. Có lẽ vì đây là lần đầu tiên tôi đọc miêu tả một trận đánh chi tiết như vậy. Nào là đội kỵ binh, đội pháo thủ, cánh trái, cánh phải, đội phiêu kỵ, đội bộ binh… Lev miêu tả rất chi tiết cách bố trí quân, diễn biến trong trận đánh. Nhiều đoạn tôi phải đọc đi đọc lại mấy lần để hình dung vị trí của nhân vật, họ chạy từ chỗ nào sang chỗ nào, diễn biến trận đánh như thế nào rồi. Vì những điều này nếu chỉ đọc một lần thì tôi sẽ không thể liên kết chúng lại với nhau được do mỗi phần Lev viết quá chi tiết, chính cái chi tiết đó khiến tôi quên đi ý chính của phần trước để lấy nó làm mắt xích kết nối với phần sau. Tôi gọi hiện tượng này là “bị chi tiết đè”. Nó khiến ta khó chịu không khác gì lúc hoảng hốt tỉnh dậy giữa đêm sau khi bị bóng đè. Nó là thứ khiến ta muốn thoát ra nhưng lại không thể rời bỏ ngay lập tức vì nó dìm ta vào một biển chữ, để an toàn dừng chân ở bờ, ít nhất ta cũng phải lội qua các lớp sóng chữ đang từng cơn đánh ập vào người; sau đó, khi thấy được dấu chấm câu và khoảng trắng tách đoạn, ta mới có thể thở phào đặt bookmark lên trang sách và tạm nghỉ ngơi. Nhưng tôi không phải là người bơi giỏi. Hơn nữa, tôi cũng chưa từng gặp hiện tượng “bị chi tiết đè” trước đó cả với Dos, với Balzac – những người nổi tiếng cực kì chi tiết, không biết may hay rủi, tôi chưa kịp đọc Hugo, biết đâu nếu trước đó tôi đã đọc Les Misérables như một bài tập khởi động cơ thể, tôi đã không choáng váng cực độ như thế khi đọc Chiến tranh và Hòa bình.

Lẽ đương nhiên, trong 200 trang đầu tiên của Chiến tranh và Hòa bình, Lev cũng đã viết rất chi tiết từ việc miêu tả lại không khí của buổi tiệc, những cuộc tán gẫu tưởng chừng vô thưởng vô phạt, cách bố trí trong gian phòng khách nhà Rostov… Thế nhưng, chi tiết trong hòa bình vẫn còn dễ chịu vì những phân cảnh đó không có quá nhiều nhân vật, không gian cũng được cố định trong một phạm vi. Chi tiết trong chiến tranh mới là thứ khó chịu: nhiều nhân vật, nhiều đơn vị, nhiều cấp bậc, câu chuyện xảy ra giữa chốn thiên nhiên rộng lớn, nhân vật di chuyển liên tục. Vậy nên, tuy trận Schongrabern chỉ diễn ra trong chừng chục trang, tôi vẫn cảm thấy quá mệt mỏi và tưởng như nó kéo dài vô tận. Tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi nhớ đến em, tôi dặn lòng phải tiếp tục cố gắng.

#8 Thở phào nhẹ nhõm

Trận đấu mà tôi tưởng chừng kéo dài vĩnh viễn, rốt cuộc cũng kết thúc. Lại đến phần hòa bình rồi, cho dù đó chỉ là thứ hòa bình tạm bợ, ngắn ngủi nhưng tôi cảm thấy rất vui vẻ. Tôi rung đùi tiếp tục đọc, hệt như hòa bình cho nhân vật trong truyện cũng là hòa bình cho tôi ở ngoài đời vậy. Hòa bình là thứ dễ chịu hơn chiến tranh, và có lẽ vì vậy mà đọc về hòa bình cũng dễ chịu hơn đọc về chiến tranh. Điều đó đúng với Chiến tranh và Hòa bình.

#9 Lo sợ

Trận Schongrabern kết thúc chưa được bao lâu, trận Austerlitz lại đến. Khi đọc đến đoạn các nhân vật chuẩn bị cho trận chiến này, một cảm giác lo sợ bắt đầu dấy lên trong lòng tôi: liệu trận chiến này có kéo dài không nhỉ, liệu nó có quá nhức đầu với nhiều chi tiết quân sự rối rắm như trận Schongrabern (mà lẽ ra sẽ dễ hiểu hơn khi trình bày bằng sơ đồ, hình ảnh) không nhỉ. Tôi căng thẳng chuẩn bị đón nhận một cơn nhức đầu, một đợt say sóng, một trận lê bước chầm chậm qua biển chữ đang chờ đợi phía trước.

#10 Mừng như được quà

Thế nhưng trận Austerlitz hóa ra lại dễ thở hơn trận Schongrabern rất nhiều. Trong trận này, Lev không viết chi tiết cách bố trí quân đội như Schongrabern mà chủ yếu tập trung vào tâm trạng chán chường của binh sĩ khi phải tham gia một cuộc chiến họ không muốn tham dự. Chính vì tâm lí được miêu tả nhiều hơn diễn biến nên rất dễ đọc, dễ đồng cảm. Và đến khi trận Austerlitz kết thúc, tôi còn ngỡ ngàng vì không ngờ nó ngắn như thế dù trên thực tế, độ dài của nó cũng ngang bằng Schongrabern. Tôi mừng như được quà vì chiến tranh trong truyện đã kết thúc dù theo hướng Nga thua cuộc, làm hòa và trở thành đồng minh với Pháp. Điều đó có nghĩa là lần này hòa bình sẽ kéo dài và phải còn lâu nữa thì chiến tranh mới lại bắt đầu. Quả đúng như thế, sau trận Austerlitz rất lâu mới đến trận Borodino và cuối cùng là sự kiện Moscow chìm trong biển lửa – cuốn tiểu thuyết vĩ đại kết thúc. Khoảng thời gian hòa bình kéo dài sau Austerlitz không chỉ như phần thưởng cho các nhân vật mà còn là phần thưởng cho chính tôi bởi các tình tiết xảy ra sau Austerlitz đã bắt đầu xoáy sâu vào nội tâm nhân vật, diễn biến cũng hấp dẫn hơn, quan trọng nhất là dễ đọc hơn vì các nhân vật không còn bị đẩy vào một bối cảnh quá rộng lớn – nơi khiến họ trở nên nhỏ bé và tôi hụt hơi vì phải theo dõi hết từng cuộc hội thoại giữa người này với người kia.

#11 Google là bạn tâm tình

Tôi không phải là một người không thích nghi được với lối văn chi tiết, chậm rãi của văn học thế kỉ 19. Tôi không thấy mệt mỏi với sự chi tiết của Dos hay Balzac. Tuy vậy, khi đọc Chiến tranh và Hòa bình, đôi lúc tôi lại thấy rất mệt mỏi với sự chi tiết của Lev. Ông thường dừng lại quá lâu để phân tích một điều gì đó dưới nhiều khía cạnh khác nhau, soi xét điều đó trong nhiều lĩnh vực khoa học nhằm làm rõ với người đọc ý ông muốn nhấn mạnh dù rằng đôi lúc, ông chỉ cần đưa ra một ví dụ, một luận cứ là người đọc đã có thể hiểu rõ ràng. Chính vì vậy, việc đưa ra nhiều ví dụ cho cùng một vấn đề khiến tôi có cảm giác Lev rất sợ người đọc hiểu nhầm ý ông và ông đang có ý “giáo dục” họ trong khi viết tựa như một thầy giáo đang giảng bài cho học sinh. Ban đầu, tôi rất thán phục việc cùng một luận điểm, ông có thể nghĩ ra nhiều ví dụ khác nhau để minh họa cho nó; hiểu biết sâu rộng khiến các kiến thức ông trình bày trong tác phẩm đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, khi việc đó lặp lại nhiều lần, tôi bắt đầu có cảm giác chán ngán như người học sinh ngồi trong lớp học mà thầy mình dạy quá chậm, câu rủa thầm kinh điển vang lên trong đầu tôi: “Biết rồi, khố lắm, nói mãi.” Vậy nên, đôi lúc tôi có cảm giác không phải đang đọc tiểu thuyết nữa mà đang ngồi nghe một học giả uyên bác thuyết phục mình phải đồng ý với luận điểm của ông. Điều này rất khác với Dos. Dù Dos cũng đưa ra nhiều quan điểm và lời khẳng quyết nhưng tôi không có cảm giác ông đang cố thuyết phục tôi phải đồng tình như Lev. Dos chừa cho tôi những khoảng trống để cảm nhận, còn Lev thì không, ông đưa ra một luận điểm rồi bắt đầu hồ hởi, say sưa tung hứng các luận cứ và chúng tạo thành mạng lưới chặt chẽ bao quanh luận điểm, không để lại chút kẽ hở sơ sót nào. Do đó, tôi có cảm giác Dos như một người bạn, Lev như một người thầy. Bạn vốn là người để ta chia sẻ tâm tình, còn thầy thường là người để ta học hỏi kiến thức. Vì Dos đã là một người bạn nên tôi không cần tìm một người bạn khác khi đọc Dos. Nhưng Lev là một người thầy, ông khiến tôi bức xúc khá nhiều trong quá trình đọc Chiến tranh và Hòa bình; vì thế, tôi cần tìm một người bạn để giải tỏa. Không ai khác hơn, người bạn ấy chính là Google. Những khi quá mệt mỏi vì đọc Lev, tôi đã lên Google search để tìm xem có ai cũng có những suy nghĩ giống tôi không bằng một số câu như sau: “Reading War and Peace makes me feel so tired”, “Reading War and Peace makes me headache”, “how to finish War and Peace”… Và tôi đã tìm được một số blog cá nhân viết cảm nhận về quá trình đọc War and Peace. Tôi như uống từng lời khi đọc những dòng của người nào đó có tâm tình giống mình. Rất nhiều lời than phiền rằng việc đọc hết bộ tiểu thuyết này thực sự là một thách thức rất lớn. Một số người bỏ ngang giữa chừng; một số người đã mấy lần thử đọc lại từ đầu nhưng vẫn dang dở; một số người đã đọc hết và chia sẻ lại kinh nghiệm với mọi người, chẳng hạn: nếu đã thử đọc lại hai, ba lần mà vẫn thấy chán quá thì đừng cố gượng ép bản thân, đó có thể là do bản dịch không phù hợp, hãy thử đọc sang một bản dịch khác; nếu không có thời gian, đặt mục tiêu cho bản thân mỗi ngày chỉ đọc một chương hoặc một số lượng trang nhất định nhưng phải cố gắng duy trì đọc đều đặn mỗi ngày… Cứ như thế, việc đọc các chia sẻ của độc giả trên khắp thế giới về Chiến tranh và Hòa bình trở thành trò tiêu khiển của tôi trong giờ giải lao trước khi vào lại lớp, mở sách và tiếp tục nghe thầy giảng bài.

#12 Kindle ơi, bao giờ đến % tiếp theo?

Hầu hết những tiểu thuyết của Dos, tôi đều đọc trên Kindle. Tiểu thuyết của Dos khá dài, điều này khiến tôi đã quen với cảm giác dường như mình đọc rất nhiều rồi nhưng vẫn chưa thấy màn hình hiển thị % kế tiếp. Và càng đọc Dos, tôi càng bị cuốn vào câu chuyện đến mức nhiều lúc tôi không để ý % nữa. Tuy vậy, Chiến tranh và Hòa bình lại dài gấp đôi bất kì tiểu thuyết nào của Dos tôi từng đọc. Nếu tính về độ dài, có thể tưởng tượng đọc hết Chiến tranh và Hòa bình giống như đọc liên tiếp hai tác phẩm của Dos vậy. Thử nghĩ mà xem, đọc hết Tội ác & Hình phạt, bạn đã rất mệt mỏi rồi, nhưng bạn chỉ mới đi được nửa chặng đường thôi, bạn phải đọc hết Lũ người quỉ ám nữa thì mới hết Chiến tranh và Hòa bình. Do đó, khi đọc Chiến tranh và Hòa bình trên Kindle, nhiều lúc tôi cảm giác con số % tiếp theo như đang trêu đùa mình: “tại sao nó vẫn chưa đổi qua số mới”, “rõ ràng mình đã đọc rất nhiều rồi”, “mãi mà vẫn chưa được 1%, không biết chừng nào mới hết đây”, “1% thôi mà nhiều thế ư?”…  Cảm giác vô định khi đọc trên Kindle kết hợp với việc bản ebook Chiến tranh và Hòa bình có nhiều lỗi đánh máy sai chính tả khiến tôi quyết định chạy ra nhà sách mua bộ sách giấy về đọc, không đọc trên Kindle nữa. Khi đó, tôi nghĩ rằng cảm giác cầm quyển sách trong tay với số lượng trang đã đọc, trang chưa đọc hiển thị rõ ràng trước mắt, với sự tồn tại vật chất cụ thể mà không phải là những con số % định lượng mơ hồ nữa, tôi sẽ dễ dàng tiếp tục đọc Chiến tranh và Hòa bình hơn, sẽ không mất kiên nhẫn với nó, sẽ không tự hỏi bao giờ mới đến % tiếp theo nữa. Lúc ấy, tôi đã đọc được 21% trên Kindle.

#13 Nặng quá và chậm quá

Vậy là, chúng ta tiếp tục câu chuyện từ phần trăm thứ hai mươi hai với sách giấy.

Tôi mua bộ Chiến tranh và Hòa bình in ba quyển của công ty sách Huy Hoàng với quyển một gồm 723 trang, quyền hai gồm 647 trang, quyển ba gồm 623 trang. Tôi rất thích hình thức của bộ sách này từ boxset, bìa, đến cách trình bày bên trong với mỗi kí tự đầu chương viết hoa theo phong cách Gothic, truyện còn đính kèm vài hình minh họa nữa.

Phần trăm thứ hai mươi hai trong sách bắt đầu từ khoảng trang 300 của quyển một. Khi tôi cầm sách đọc thêm chừng trăm trang của quyển này, đôi tay tôi bắt đầu cảm thấy nặng trĩu và mỏi mệt. Tôi không thể ngồi cầm sách đọc được nữa. Tôi đặt sách trên bàn và đọc. Cứ thế, như một học sinh ngoan ngoãn làm bài tập về nhà, tôi ngồi vào bàn mỗi ngày để đọc hết hơn ngàn trang còn lại của thầy giáo Lev Tolstoy.

Khi đọc Chiến tranh và Hòa bình bằng sách giấy, tôi mới nhận ra vì sao khi đọc quyển này bằng ebook, tôi cảm thấy % nhích chậm đến thế. Nguyên nhân không chỉ vì quyển này dày mà còn do tôi bỗng dưng đọc Chiến tranh và Hòa bình bằng tốc độ chậm khủng khiếp nếu so với tốc độ bình thường vốn đã rất chậm của tôi, 10 trang của quyển này áng chừng theo độ hấp dẫn – nhàm chán mà tôi có thể đọc trong khoảng từ 20 – 30 phút. Nếu tính trung bình, bản dịch Chiến tranh và Hòa bình trong tiếng Việt có khoảng 2000 trang; như vậy, 1% trên Kindle tương đương với 20 trang. Từ đó suy ra, tôi đọc 1% trong khoảng 50 phút – 1 tiếng. Thảo nào, đó là lí do tôi cảm thấy % trên Kindle phải mất rất nhiều thời gian mới nhích lên được con số mới. Đọc Chiến tranh và Hòa bình bằng sách giấy phần nào đó có thể loại đi cảm giác vô định hình, mất kiên nhẫn khi đọc bằng Kindle. Tuy vậy, nhờ việc có thể thấy rõ độ dày của số lượng trang đã đọc được, tôi phải đối mặt với một thực tế đau lòng: tôi vốn đọc chậm nhưng có vẻ như càng ngày càng đọc chậm hơn. Dù cố gắng tập trung thế nào, tình hình này vẫn không mấy trở nên sáng sủa. Tôi hay dừng lại giữa chừng để suy nghĩ khi đọc sách, không phải lúc nào cũng suy nghĩ những chuyện sách gợi ra, có khi đó chỉ là những suy nghĩ linh tinh bên ngoài. Trước mỗi đoạn văn khiến tôi thích thú, tôi thường đọc đi đọc lại hai ba lần, gật gù, ngưỡng mộ. Khi quá trình này đang diễn ra, tôi không cảm thấy phiền lòng mấy. Chỉ là, khi nhìn lại đồng hồ rồi so sánh số trang đã đọc được, tôi mới giật mình hoảng hốt rủa thầm vì sao mình đọc chậm quá.

#14 Kết hợp giữa Kindle và sách giấy

Tuy sách giấy cho tôi thấy rất rõ ràng bằng thị giác độ dày của phần tôi đã đọc, độ dày của phần tôi chưa đọc nhưng tôi lại không biết chính xác mình đã đọc bao nhiêu % trên tổng thể. Nếu chỉ là con số % ước lượng như kiểu khoảng chừng một phần ba, khoảng chừng phân nửa, hơn phân nửa, khoảng 60%… thì không mấy khó khăn khi nhìn bằng mắt. Lẽ ra, chỉ cần hài lòng với sự áng chừng đơn giản như thế là được. Nhưng nhiều đoạn trong Chiến tranh và Hòa bình khiến tôi mệt mỏi, nhức đầu, ngộp thở đến mức tôi cần biết chính xác mình đã vượt qua bao nhiêu % gian khổ rồi, còn bao nhiêu % nữa phía trước đang chờ tôi. Vậy nên, mỗi khi cảm thấy hụt hơi ở một đoạn nào đó, tôi gấp sách giấy lại và bắt đầu mở Kindle, lật nhanh đến đoạn mình dừng lại ở sách giấy để xem đã đến bao nhiêu % rồi. Màn hình Kindle vừa hiện chữ trong trang mới lại mờ đi, rồi lại hiện lên, lại mờ đi một cách nhanh chóng khiến tôi cảm thấy phấn khích. Nhìn số % tăng dần lên, dù đôi khi chỉ tăng thêm một cũng khiến tôi vui. Kết thúc quá trình này, tôi biết được cụ thể % mình đã đọc và lại tự động viên bản thân tiếp tục đọc để con số đó tăng dần. Thế là, tôi có trò tiêu khiển mới ngoài việc tìm đọc những bài review về quá trình đọc Chiến tranh và Hòa bình không có spoil trên Google. Việc xem % đã đọc trên Kindle hệt như khoảng thời gian nghỉ giải lao ngắn chừng năm phút ngay trong giờ học, còn việc đọc tâm tình của người khác về Chiến tranh và Hòa bình lại giống như giờ chơi dài mười lăm phút chia một buổi học ra thành phân nửa. Hai quá trình này cứ tiếp diễn đều đặn suốt thời gian tôi đọc Chiến tranh và Hòa bình. Có thể nói, tôi là người học trò cần rất nhiều giờ giải lao để thư giãn đầu óc, để động viên bản thân mình tiếp tục học.

#15 Cứu với, phim ơi!

Khi bắt đầu đọc Chiến tranh và Hòa bình, tôi đặt ra mục tiêu là sẽ đọc hết tiểu thuyết này mà không để bất kì bộ phim nào chen ngang làm gãy mạch cảm xúc. Đó là lí do lúc ban đầu, tôi luôn cố tìm ra cách khác để thư giãn đầu óc, cố loại bỏ cám dỗ xem phim giải trí trong giờ giải lao. Tuy nhiên, khi đọc được phân nửa quyển thứ hai, cũng là khoảng 50% truyện, tôi đã quá mệt mỏi và quyết định buông xuôi. Không hiểu sao lúc đó, tôi nghĩ ngay đến You who came from the stars. Tôi đột nhiên muốn xem phim này kinh khủng với niềm tin chắc chắn rằng nó sẽ khiến tôi thích thú, cười thoải mái, thư giãn đầu óc và rồi giúp tôi lấy lại năng lượng để tiếp tục đọc Chiến tranh và Hòa bình. Cuối cùng, tôi dành ba ngày liền để xem 21 tập phim mà đúng ra ban đầu chỉ định xem vài tập rồi lại đọc truyện, khi nào nhức đầu quá mới tiếp tục xem phim. Thế nhưng, You who came from the stars thật hấp dẫn, tôi không thể dứt ra được. Dù nhiều người chê nửa sau phim dài dòng, luộm thuộm nhưng tôi lại thấy xét trong tổng thể chung, cấu trúc phim khá hài hòa, thời lượng phân bổ hợp lí. Khi thụ hưởng những trận cười sảng khoái, những giây phút đắm chìm vào chemistry của cặp đôi chính, đầu óc tôi như giãn cả ra. Tôi chấm cho phim 8 điểm, tương đương với Full House. Sau này, tôi đã hiểu lí do vì sao mình muốn xem You who came from the stars. Qua những bức ảnh trích từ phim lan truyền trên Facebook thời phim đang phát sóng và nhận được nhiều sự mến mộ, tôi đã biết rằng Chun Song Yi – nhân vật nữ chính của phim là cung Bảo Bình. Nhưng tôi quên mất thông tin này, tôi lưu lại nó trong tiềm thức. Có lẽ đó là một trong những lí do khiến tôi chọn xem phim này thời điểm đó bên cạnh những lí do khác như cũng thích Jun Ji Hyun chút chút, cũng tò mò về phim có rating cao nhất 2013 chút chút. Chi tiết Chun Song Yi là Bảo Bình không hiểu sao khiến tôi thấy nhói lòng khi xem một số phân đoạn của phim…

Xem xong You who came from the stars, tôi tiếp tục đọc Chiến tranh và Hòa bình. Tôi đã định giải lao bằng cách xem phim thế là đủ. Nhưng dường như, người học trò sâu bên trong tôi luôn kêu gào đòi nghỉ thêm. Hơn nữa, thời gian tôi nhức đầu khi đọc Chiến tranh và Hòa bình ngày càng đến nhanh hơn, sự nhức đầu ở nửa sau của tác phẩm không phải do chi tiết hay chiến trận mà là do Lev bắt đầu xen nhiều chương tiểu luận những suy nghĩ của ông về chiến tranh, lịch sử… Một số chương ông viết rất dễ hiểu, một số chương cũng không khó hiểu lắm nhưng ông hay viết những câu dài khiến tôi có phần hụt hơi khi đọc. Vậy là, tôi làm phép dung hòa để thỏa hiệp giữa hai cái tôi của bản thân: mỗi ngày nếu đọc được khoảng 100 – 150 trang thì sẽ được xem một phim điện ảnh hoặc một tập phim truyền hình. Rốt cuộc, khi đọc xong Chiến tranh và Hòa bình tôi đã xem được thêm những phim như: Nausicaä of the Valley of the Wind, Perfect Blue, The K2, Kuchibiru no uta, April Fool, một vài tập của phim The Legend of the Blue Sea. Khi ấy, những bộ phim như những viên kẹo ngọt – phần thưởng hứa hẹn cho tôi sau giờ học vất vả.

#16 Word count

Tuy chỉ còn khoảng phân nửa là hết Chiến tranh và Hòa bình nhưng tôi bắt đầu mệt mỏi, trở nên mất kiên nhẫn. “Quái lạ! Mình đã đọc rất nhiều, rất lâu rồi mà sao nó vẫn còn nhiều thế này. Rốt cuộc nó có khoảng bao nhiêu chữ đây?” Câu hỏi đó bật lên trong tôi. Thế là tôi lại lên Google để search xem bản dịch tiếng Anh có bao nhiêu chữ với từ khóa: “War and Peace word count”.  Tôi ra được kết quả là những trang như sau:

https://indefeasible.wordpress.com/2008/05/03/great-novels-and-word-count/
http://www.shortlist.com/entertainment/books/the-10-longest-novels-ever-written
https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_longest_novels

Kết quả cuối cùng là, War and Peace có 587 287 chữ. Trong khi đó, Crime and Punishment chỉ có 211 591 chữ, vậy mà cách đây hai năm, khi đọc tôi đã cảm thấy nó rất dài rồi. Thế nghĩa là, War and Peace bằng hơn hai lần đọc Crime and Punishment. Ôi Chúa ơi, làm sao cứu rỗi linh hồn đời con đây. Ấy thế nhưng trang Shortlist còn đưa ra danh sách 10 tiểu thuyết dài nhất từng được viết, trong đó không có War and Peace, và trong 10 cái tên thì hết 9 cái xa lạ với tôi, duy chỉ có mỗi In search of lost time của Marcel Proust là tôi biết. Nếu xét về số lượng chữ, phải nói rằng danh sách trong Shortlist khủng bố hơn rất nhiều so với War and Peace, cuốn ngắn nhất của nó cũng đã 900 000 chữ. Và theo trang Wikipedia, tôi được biết thêm thông tin thú vị: những tiểu thuyết nào từ 500 000 chữ trở lên sẽ bắt đầu được xếp vào nhóm tiểu thuyết dài.

Tuy nhiên, bản dịch tiếng Việt Chiến tranh và Hòa bình thì không phải là 587 287 chữ. Tôi thử tính số chữ ước lượng của bản tiếng Việt bằng cách chọn trang sách nào ít xuống dòng, ít có khoảng trắng nhất, sau đó tôi sẽ đếm số chữ của một hàng rồi đếm số hàng có trong một trang, lấy hai số này nhân với nhau ra số chữ trung bình của một trang; sau đó, lại lấy số đó nhân với số trang tổng cộng của bản in để ra số lượng chữ trung bình của bản dịch. Nào, bây giờ ta thử cùng tính.

Tôi chọn trang 339 của quyển một để tính số chữ của một trang vì thấy trang này chỉ xuống đoạn một lần, không đối thoại, ít khoảng trắng. Hàng ngang thứ hai của trang (không chọn hàng thứ nhất vì bị thụt đầu dòng mất một chữ) có 13 chữ. Một trang có 33 hàng.

Vậy, trung bình một trang có 13 x 33 = 429 chữ.
Số trang tổng cộng của ba quyển gộp lại là: 1993 trang.
Như vậy, tổng cộng bản dịch Chiến tranh và Hòa bình có khoảng: 429 x 1993 = 854 997 chữ.

Trước giờ, chúng ta vẫn biết văn bản tiếng Anh luôn ngắn gọn hơn tiếng Việt, thường là ngắn hơn khoảng một phần ba cho đến phân nửa. Tuy vậy, khi nhìn thấy lượng chữ cách biệt giữa bản tiếng Việt và tiếng Anh của Chiến tranh và Hòa bình là 267 710 chữ, tôi vẫn không khỏi kinh vía. Nghĩa là, lấy lượng chữ thừa ra từ bản tiếng Việt so với tiếng Anh, chúng ta có được một quyển Crime and Punishment bằng tiếng Anh. Vậy nên, bằng phép so sánh này, tôi bỗng có chút ghen tị với tiếng Anh, với người có khả năng đọc thành thạo tiếng Anh vì khi đó, nếu xét tốc độ đọc trung bình của một người trong hai ngôn ngữ là như nhau thì người đọc tiếng Anh sẽ rút ngắn thời gian đọc hơn so với người đọc tiếng Việt; trong khi người Việt vừa đọc hết Chiến tranh và Hòa bình thì người Anh đã đọc thêm được Crime and Punishment. Chà, chỉ là phép tính vui vậy thôi.

#17 Matcha

Một ngày đi chợ về, mẹ bỗng mua một hộp Matcha đóng gói của Cozy. Hộp có 18 gói bột, giá thành là 42.000 đồng (một phút quảng cáo bắt đầu).

Mẹ biết tôi thích matcha nên mua cho tôi uống thử vì giá thành như thế cũng rẻ, thực ra là rẻ bất ngờ so với dự tưởng của tôi. Trước đây, tôi thường mua matcha gói bột hay túi lọc ở Hachi Hachi và không bao giờ mua của hãng nào có giá thành như vậy vì tất cả đều là đồ ngoại nhập từ Nhật nên rẻ lắm thì giá cũng từ 90.000 đồng trở lên. Tôi cầm hộp giấy trong tay, thấy chữ Việt, biết Cozy là nhãn hiệu của Việt Nam, một chút nghi ngờ về chất lượng bật lên trong đầu tôi: “Của Việt Nam ư? Còn rẻ thế này nữa. Chắc không ngon. Không biết có phải matcha thật không? Liệu uống vào có an toàn không nhỉ?” Chính vì những câu hỏi này mà tôi không uống matcha của Cozy ngay hôm mẹ mới mua về. Khoảng chừng ba, bốn hôm sau đó, khi cứ nhìn chiếc hộp để trên bàn mãi, tôi bắt đầu tò mò về mùi vị của nó. Thế là, nhân một tối quá nhức đầu vì đọc Chiến tranh và Hòa bình, tôi pha thử một ly matcha nóng để nhâm nhi lúc đọc sách với hi vọng vừa đọc vừa nhấp từng ngụm nhỏ biết đâu khiến tôi đỡ đau đầu hơn. Khi nước nóng đã pha xong, gói bột được xé ra, một mùi thơm thoang thoảng xông lên mũi tôi. Tôi đổ hết toàn bộ gói bột vào ly rồi bắt đầu khuấy. Chất bột màu xanh tan dần trong nước trắng đang bốc khói, từng chút một, đồng hóa màu trắng (chính xác hơn là không màu) của nước thành màu xanh của chính nó nhưng ở một sắc độ nhạt hơn. Khi ấy, không chỉ có mùi matcha mà còn có thêm mùi sữa (theo như trong quảng cáo là có sữa) bốc lên. Nước vẫn còn quá nóng để uống, vậy nên tôi đành hít một hơi thật sâu để nhận biết rõ hơn vị của nó. Đó là thứ mùi rất giống mùi matcha mà các quán trà sữa bình thường (tức là không phải quán chuyên về matcha hay quán của Nhật) vẫn hay làm. Thế hóa ra, những quán ấy đã dùng gói bột matcha của Cozy sao? Tôi cầm ly nước lên phòng, đóng cửa, khóa chốt, ngồi vào bàn, mở Chiến tranh và Hòa bình ra, tiếp tục đọc. Đã gần cuối quyển hai rồi. Khi đọc được khoảng chục trang, áng chừng nước trà đã nguội bớt, tôi bắt đầu nhấp một ngụm nhỏ. Hương vị matcha, trà, sữa tan ra nơi đầu lưỡi tôi như tỏa đi khắp ngóc ngách của vùng đầu khiến tôi bừng tỉnh, cảm thấy đỡ buồn ngủ hơn, cơn đau đầu cũng dịu đi được phần nào. Hiệu quả từ ngụm nhỏ đầu tiên ấy thật bất ngờ. Thế là, tôi nhấp thêm một ngụm, một ngụm nữa. Chẳng mấy chốc hết nửa ly. Nhưng, không thể dễ dãi với bản thân như thế được. Trà nóng là để nhâm nhi từ từ lúc đọc sách cơ mà. Nếu cứ như vậy, chẳng mấy chốc tôi sẽ uống hết cả ly mất. Thế là, tôi lại đặt mục tiêu để kiểm soát bản thân: khi nào đọc được khoảng 10 trang, hãy nhấp một ngụm. Vậy nên, thỉnh thoảng tôi để ý xem số trang mình đang đọc đã chẵn ở hàng chục hay chưa. 10, 20, 30, 40, 50, 60, 70, 80, 90 như những trạm dừng mà ở đó tôi sẽ được tiếp tế bằng một ngụm matcha, sau đó lại leo lên xe, tiếp tục đi đến mốc 10 trang kế tiếp. Thông thường, khi uống hết một ly matcha thì tôi đọc được khoảng 50 trang. Quãng thời gian đọc Chiến tranh và Hòa bình đã khiến tôi nghiện matcha của Cozy. Nó quả thực là matcha đã được chế biến lại cho người Việt vì tôi đoán chừng tỉ lệ matcha và sữa là 50:50. Trong khi đó, matcha gốc của Nhật mà trước đây tôi mua ở Hachi Hachi chỉ thuần nhất vị matcha như được chiết xuất từ lá trà, vậy nên nó hơi chát.

Như vậy, matcha Cozy đã trở thành bạn đồng hành của tôi trong một phần ba chặng đường cuối cùng khi đọc Chiến tranh và Hòa bình. Ngày nào, tôi cũng vừa đọc vừa uống chừng ba, bốn ly. Trước đây, hầu như chưa có quyển tiểu thuyết nào khiến tôi phải vừa đọc vừa uống trà để có sức lực như Chiến tranh và Hòa bình cả. Dù nhiều đoạn trong Tội ác và Hình phạt hay Lũ người quỉ ám khiến tôi rất nhức đầu nhưng tôi đều chỉ uống nước trắng bình thường. Rất hiếm khi tôi vừa đọc sách vừa uống trà một cách có ý thức, hầu như là chưa bao giờ. Trước đây, đều là vì tình cờ, nhân thể, tiện tay mà uống. Nhưng với Chiến tranh và Hòa bình thì không uống không được bởi khi đọc gần hai phần ba truyện, tôi đã thấy quá mệt. Nếu không có matcha, có lẽ thời gian đọc ì ạch qua từng con chữ, từng trang sách của tôi sẽ còn kéo dài hơn nữa. Vì vậy, giả dụ phải gọi tên mùi vị của khoảng thời gian đọc Chiến tranh và Hòa bình, tôi sẽ nói nó có mùi matcha Cozy.

#18 Ngủ vùi và ngày tàn

Càng đọc đến gần cuối sách, tôi càng dễ thấy nhức đầu, buồn ngủ. Có khi, chỉ đọc chừng 20 trang là tôi thấy buồn ngủ. Sự chống cự của tôi trước cơn buồn ngủ càng ngày càng kém. Tôi ngủ rất nhiều. Vì thế, ngày nhanh tàn. Điều này khiến tôi có cảm giác mình phải đối mặt với bóng đêm nhiều hơn là ánh sáng. Vào buổi sáng, tôi ngủ đến trưa mới dậy. Sau khi ăn sáng/trưa xong chừng hai tiếng, tôi lại ngủ từ trưa đến chiều. Khoảnh khắc chứng kiến ánh mặt trời nhạt nhòa dần qua khung cửa sổ thật sự rất buồn. Nhưng rồi, tôi vẫn phải cố gắng tiếp tục đọc cho hết. Tôi không muốn đọc dang dở nó. Chính vì, rất có thể em đã đọc dang dở nó, tôi càng muốn hoàn thành nó.

#19 Cô đơn đến nghẹt thở

Khi sống về đêm nhiều, khi làn da ít tiếp xúc với ánh sáng thường sẽ dễ nảy sinh cảm giác cô đơn rất mãnh liệt. Có những nỗi cô đơn dịu dàng, dễ khống chế. Nhưng cũng có những nỗi cô đơn chẳng mấy dễ chịu, lại khó khống chế. Nỗi cô đơn khi một mình nhìn ngày tàn, một mình sống về đêm có lẽ nằm giữa lưng chừng hai khoảng ấy. Đôi khi, nó khiến tôi rất phấn khích vì có thể tự do làm những việc mình muốn trong yên tĩnh. Đôi khi, nó khiến tôi khó chịu vì cảm thấy cô đơn đến nghẹt thở, chỉ muốn tìm ai đó để tâm sự. Nhưng tìm ai bây giờ? Hầu như chẳng có ai cả. Khoảng thời gian đọc Chiến tranh và Hòa bình, tôi đã deactive Facebook, cắt đứt liên lạc với gần như tất cả mọi người chỉ để yên tĩnh một mình. Trước đó, khi đọc The Idiot hay The Raw Youth của Dos, tôi vẫn còn rất bình thản. Nhưng đến Chiến tranh và Hòa bình, tôi thật sự muốn tìm ai đó để tâm sự. Nhiều lần, tôi định làm việc đó nhưng rồi lại thôi. Tôi sợ làm phiền mọi người phải nghe tôi than thở hoặc những cảm xúc trời ơi đất ỡi của tôi chẳng chút dính dáng gì đến các vấn đề cấp thiết của cuộc sống ngày nay. Tôi cũng sợ người lắng nghe không hiểu mình, sợ bản thân thất vọng. Vậy nên, cách tốt nhất là im lặng như bao lần. Cần phải tập sống với nỗi cô đơn, tuyệt vọng của bản thân. Những năm qua, tôi đã dần quen với điều đó và ít khi nào chủ động liên lạc với ai khi buồn. Nó khiến tôi ổn hơn, bình tĩnh hơn. Chỉ là có lúc cảm giác cô đơn vượt ngoài sự khống chế của tôi một chút. Nhưng những nỗi lòng này, nếu cố gắng kiềm nén lại, chẳng phải một lúc nào đó sẽ giúp tôi viết được một điều gì đó sao. Cũng như, vì không thể nói cụ thể với ai về khoảng thời gian đọc Chiến tranh và Hòa bình, tôi đã viết bài này.

#20 Tập thể dục

Vì sức lực gần như cạn kiệt khi đọc đến quyển cuối cùng của Chiến tranh và Hòa bình, tôi quyết định sẽ đi bộ, tập thể dục cùng bố mẹ để khỏe hơn một chút, biết đâu khi đó, số trang trung bình tôi đọc trong một ngày sẽ tăng lên thì sao. Đây là điều tôi đã muốn làm cùng bố mẹ từ lâu nhưng luôn trì hoãn. Thứ nhất, tôi muốn làm vì chính sức khỏe bản thân mình. Thứ hai, tôi muốn nhìn ngắm một phần cuộc sống của bố mẹ mà trước đây tôi chưa từng biết đến. Và một tối đẹp trời, sau khi đã thấm mệt vì đọc Chiến tranh và Hòa bình, tôi đến công viên đi bộ cùng bố mẹ.

Bố mẹ có một lịch trình hẳn hoi khi đến công viên. Đầu tiên, sẽ đi bộ hai vòng quanh công viên; sau đó, sẽ tập từng máy tập thể dục, mỗi máy có thể tập từ 50 – 100 lần tùy theo mức độ nặng nhẹ của bài tập. Buổi tối, thành phần đến công viên rất đa dạng: có những người lớn tuổi đi một mình, có những người bạn trung niên đi với nhau, có những gia đình từ nhỏ đến lớn dắt nhau ra công viên đủ cả ba thế hệ… và có rất nhiều bạn trẻ đến tập thể dục, cười nói vui vẻ. Khi nhìn ngắm bố mẹ, những người xung quanh trong lúc tập, tôi bỗng cảm thấy bớt cô đơn hơn một chút. Đôi khi, chẳng cần nói gì nhiều, chỉ cần im lặng quan sát, lắng nghe là nỗi cô đơn đã có thể tự làm hòa với chính nó.

Buổi tối đầu tiên khi tập về, tôi cảm thấy hơi đau ở bắp chân và vai một chút. Nhưng tôi biết, đây là một dấu hiệu tốt. Dần dần, tôi sẽ không cảm thấy đau nữa; khi đó, có lẽ tôi sẽ khỏe hơn. Tuy nhiên, tôi không ngờ rằng tác dụng tích cực của việc tập thể dục lại đến với tôi sớm như thế. Ngay tối hôm ấy, sức đọc của tôi so với mọi ngày được cải thiện thấy rõ. Tôi đọc liên tục 120 trang từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng mà không thấy mệt, không buồn ngủ, không nhức đầu. Cũng có thể vì ngày hôm đó, tôi đã đọc đến đoạn dễ đọc trong truyện. Nhưng tôi tin kết quả này là do tôi bắt đầu tập thể dục. Tôi cảm thấy đầu óc minh mẫn hơn thường ngày rất nhiều. Thế là, trong một tuần đọc quyển cuối cùng của Chiến tranh và Hòa bình, tối nào tôi cũng đi tập thể dục với bố mẹ (trừ vài ngày trời mưa). Sau khi tập thể dục về, tôi sẽ pha trà, mở sách, rồi chìm trong mùi matcha và không khí của nước Nga đầu thể kỉ 19.

#21 Âm nhạc cứu rỗi

Dường như, mọi phương thuốc đều chỉ có hiệu nghiệm trong khoảng thời gian nhất định. Khi đọc đến phân nửa cuốn thứ ba, nghĩa là chỉ còn khoảng 300 trang nữa thôi là hoàn thành Chiến tranh và Hòa bình, cơn mệt mỏi khủng khiếp trở lại với tôi dù tôi vẫn tập thể dục, vẫn uống matcha khi đọc sách. Ở trận Borodino và Moscow, Lev xen các chương tiểu luận vào giữa những chương kể chuyện rất nhiều. Ông viết không quá khó hiểu ở cả phần tiểu luận lẫn phần kể chuyện, có thể dễ dàng nắm ngay ý Lev muốn truyền đạt khi đọc. Tuy vậy, sự chuyển đổi qua lại giữa hai phần này là thứ khiến tôi mệt mỏi giống như một người có tuyến tiền đình không vững vừa mới quen đi xe đò đã bị chuyển qua ngồi thuyền, vừa thích nghi với độ lắc lư của thuyền lại bị chuyển về xe đò. Nghĩa là, từng phần ông viết sẽ không khiến tôi mệt nếu như nó được tiếp nối từ phần trước nó và phần sau nó bằng cùng một loại văn. Thế nhưng ở đây, một chương kể chuyện rất có thể theo sau nó là một chương tiểu luận, một chương tiểu luận lại có thể dẫn đến một chương vừa tiểu luận vừa kể chuyện. Vậy nên, tôi chỉ dám kết luận điều sau đây với riêng trường hợp của tôi, tôi cho rằng: não trạng vận hành khi đọc chương kể chuyện rất khác với chương tiểu luận; nếu sự thay đổi diễn ra ở tuần suất ít, tôi có thể thích nghi được; nhưng khi sự thay đổi này diễn ra liên tục, não trạng của tôi mất nhiều năng lượng hơn cho quá trình chuyển từ hình thức tư duy này sang hình thức tư duy kia; kết quả là, tôi mệt rã rời, dù tập thể dục, dù uống matcha vẫn không kịp bù cho năng lượng bị mất nếu như không ngủ. Nhưng tôi lại không muốn xem phim, cũng không muốn ngủ nhiều nữa. Vậy, còn cách nào có thể trợ lực cho tôi không? Ngay khi nghĩ rằng dường như chẳng còn cách nào, tôi liền nhìn vào cây đàn, một suy nghĩ lóe lên trong đầu tôi: “Hay là bây giờ mình thử đàn, hát xem thế nào? Biết đâu khỏe hơn, như hồi năm lớp 12 mình từng làm?”

Và tôi gấp sách lại, ngồi vào đàn. Đầu tiên, tôi mở trang hopamchuan.com để đàn một số bài Việt Nam dễ hát vì nhạc pop thịnh hành của Việt Nam thường dùng hợp âm đơn giản. Sau đó, tôi vào trang ufret.jp để đàn hát một số bài của Yui. Tôi chỉ định giải lao giữa giờ bằng âm nhạc khoảng chừng 15 – 30 phút. Cuối cùng, hôm đó tôi đàn từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng mà không thấy mệt nhưng vì trời sáng rồi, vì tôi đã thức trắng cả đêm rồi nên tôi biết mình cần đi ngủ. Rất nhiều lần, tôi tự nhủ chỉ đàn một bài nữa thôi là dừng lại đọc sách. Thế nhưng, vẫn như trước đây, chỉ cần đụng đến đàn là tôi khó lòng dứt ra được. Ban đầu, tôi chỉ đàn hát bài của người ta. Sau đó, khan cả giọng nên tôi không hát nữa, chỉ bấm vu vơ vài hợp âm mình thích. Thế rồi, sau một lúc bấm vu vơ, tay phải tôi bắt đầu đàn giai điệu nào đó, tay trái theo đà điều chỉnh hợp âm lại cho thuận tai; cũng có khi quá trình này ngược lại, tay trái cứ đàn những hợp âm tôi yêu thích, tay phải tìm cách kết nối chúng lại với nhau bằng giai điệu. Ngày hôm đó, tôi cứ đàn mãi nhóm hợp âm 6, major7 và 7. Cuối cùng, trong một đêm hai bản nhạc không lời ra đời cùng lúc. Một bản có tên là What you said at that time – đây vốn là bản tôi đã nghĩ ra giai điệu từ trước nhưng chưa hoàn thiện, đêm đó, tôi hoàn thiện bản này. Bản còn lại được viết mới hoàn toàn trong đêm là Drinking the fading sunlight. Tôi thích cả hai bản nhưng tình cảm dành cho Drinking the fading sunlight có nhỉnh hơn một chút vì đây là bài đầu tiên tôi thử dùng hợp âm 6. Bạn có thể nghe hai bài này ở link bên dưới.

What you said at that time:
https://soundcloud.com/kodaki-shirabi/what-you-said-at-that-time-kodaki

Drinking the fading sunlight:
https://soundcloud.com/kodaki-shirabi/drinking-the-fading-sunlight-kodaki

Việc viết ra được hai bài này khiến tôi rất phấn khích, tôi vui vẻ và có năng lượng trở lại để đọc Chiến tranh và Hòa bình vào hôm sau. Buổi sáng ngày hôm ấy sau một đêm thức trắng, nhìn bầu trời xanh dần sáng lên, nhìn không khí trước mặt như được phủ một lớp sương trắng, nghe tiếng mở cửa, tiếng người dậy sớm đi bộ từ đây đó vọng lại, tôi cảm thấy cuộc đời mình vẫn còn cơ may chuyển biến tích cực, ít tuyệt vọng hơn, sáng sủa hơn. Một lần nữa, âm nhạc đã cứu rỗi tôi trước nỗi buồn văn học đem lại. Hai bản nhạc ấy như hai người bạn đến an ủi tôi, cả hai nói với tôi rằng: “Giờ có tôi rồi, bạn đừng buồn nữa.” Thế là khi đọc khoảng 300 trang cuối cùng của Chiến tranh và Hòa bình, những lần quá nhức đầu, tôi đều dừng lại để đàn What you said at that time hoặc Drinking the fading sunlight. Sau mỗi lần đàn như vậy, tôi cảm thấy cơn mệt mỏi, nhức đầu trước đó tan biến hẳn đi; khi ấy, tôi lại tiếp tục đọc sách. Có thể nói, tôi hoàn thành được hai bài này đều là nhờ sự căng thẳng mà Chiến tranh và Hòa bình đã mang đến cho tôi. Tôi muốn cảm ơn Lev Tolstoy, cảm ơn Chiến tranh và Hòa bình rất nhiều vì đã giúp tôi có thêm hai bản nhạc mới.

#22 Hồi tưởng và tiếc nuối

Khi đọc gần hết Chiến tranh và Hòa bình, một cảm giác tiếc nuối dâng trào trong tôi. Quyển sách này thực chất không khó đọc, khó hiểu, nó chỉ đòi hỏi người đọc duy nhất một điều: sự kiên nhẫn. Càng đọc, tôi càng hình dung rằng nếu là tôi của những năm đầu đại học, hay thậm chí là những năm cấp ba, chắc chắn vẫn có thể hiểu quyển sách này. Vậy tại sao tôi không đọc nó vào những lúc đó, vào những khi có dư dả thời gian ấy, lúc đó tôi đã làm gì, đọc gì để rồi bây giờ đọc Chiến tranh và Hòa bình muộn như vậy? Tôi nhớ lại vào năm cấp ba tôi còn mải mê đọc truyện tranh, xem phim truyền hình Hàn Quốc, Đài Loan; đến khi vào đại học, tôi lại ưu tiên đọc những tác phẩm văn học đương đại của thế kỉ 20, 21 mà không chịu khó tìm đọc những tác phẩm văn học kinh điển của thế kỉ 19 trở về trước. Những tác phẩm tôi đọc khi học đại học đa phần thuộc nền văn học Nhật Bản, các tác phẩm này không quá dài, thường chỉ có độ dài trung bình từ 200 – 400 trang, quyển dài nhất mà tôi đọc thời đại học có lẽ là Biên niên ký chim vặn dây cót của Murakami Haruki với độ dài là 719 trang. Lẽ ra, thời đại học của tôi nên dành cho các tác phẩm văn học Nga kinh điển của Dostoevsky hay Lev Tolstoy với độ dài trung bình từ 900 trang trở lên mới phải. Các tác phẩm kinh điển thường dài hơn những tác phẩm hiện đại rất nhiều. Nhưng dù trách bản thân như thế nào, tôi biết rằng nếu có thể quay ngược thời gian, tôi vẫn sẽ cứ đọc những gì tôi đã đọc. Khi ấy, tôi đang học tiếng Nhật. Để học tốt tiếng Nhật, cần phải có rất nhiều nỗ lực, đam mê và thứ gì đó gợi hứng. Đối với tôi, thứ gì đó để gợi hứng không gì tốt hơn là thưởng thức nghệ thuật: đọc sách Nhật, xem phim Nhật, nghe nhạc Nhật. Những lúc tôi quá mệt mỏi vì học tiếng Nhật, việc thưởng thức các tác phẩm văn hóa nghệ thuật của họ đã giúp tôi có thêm động lực, năng lượng để tiếp tục học. Nếu phải cắt giảm phần này, có lẽ tôi đã không thể học tiếng Nhật đến nơi đến chốn. Bây giờ, không hẳn là tôi tự tin vào năng lực tiếng Nhật của mình, nhưng tôi tin rằng nó ở mức tôi có thể tiếp tục tự học được, dù có quên thế nào thì vẫn còn cái căn bản và nếu cố gắng duy trì đều đặn hơn thì hẳn là tôi có thể đọc, hay dịch những quyển sách đơn giản từ tiếng Nhật. Tôi cố gắng nghĩ như vậy để không tự trách mình vì đã chẳng đọc Chiến tranh và Hòa bình cũng như các tác phẩm văn học kinh điển thế kỉ 19 trở về trước sớm hơn.

#23 Niềm hân hoan tột cùng

Cuối cùng, ngày tôi chính thức đọc xong Chiến tranh và Hòa bình cũng đến. Đó là ngày 8.12.2016. Lần ấy, tôi đã đọc từ 10 giờ tối cho đến 9 giờ sáng hôm sau. Lẽ ra, tôi đã phải dừng việc đọc vào lúc 6 giờ mấy vì quá buồn ngủ nhưng khi đó chỉ còn chừng chục trang, tôi muốn đọc luôn cho xong nên đã tát vào mặt mình rất nhiều lần để tỉnh táo mà đọc hết. Tôi thực sự rất thích những chương tiểu luận cuối cùng của Chiến tranh và Hòa bình dù có nhiều người không thích nó. Lev Tolstoy trình bày mọi quan điểm của ông về chiến tranh, lịch sử, xã hội, luật pháp… rất sáng rõ trong phần cuối. Tuy rằng, có nhiều luận điểm lặp lại các ý ông đã nói rải rác đâu đó trong những phần trước nhưng tôi không cảm thấy phiền hà gì. Nó như một bản tổng kết hàm súc các vấn đề được nhắc đến trong Chiến tranh và Hòa bình; ngoài ra, nó cũng soi chiếu giúp tôi hiểu thêm những vấn đề mà ở thời đại nào, con người cũng phải đối mặt. Khoảnh khắc những dòng chữ cuối cùng kết thúc, tôi không thể tin nổi rằng chặng đường gian khổ hơn ba tuần đã chấm dứt. Tôi gào thét sung sướng. Tôi ghi vội những dòng sau đây để không quên cảm xúc của mình trong thời khắc đó: “I’m happy. I’m happy. I’m happy so so much. Today is one of my happiest days in last three months. Finally, I did it. I did it. Finally, I have finished War and Peace. Eventhough, I don’t like any characters specially but the whole book is great and I love it.”

#24 Hoài nghi

Từng có lúc tôi hoài nghi rằng liệu dành nhiều thời gian như thế cho Chiến tranh và Hòa bình có xứng đáng không, trong khi với ngần ấy thời gian, tôi có thể đọc thêm rất nhiều tác phẩm quan trọng khác, có độ dài ít hơn nhiều so với Chiến tranh và Hòa bình mà tôi vẫn chưa đọc. Tuy nhiên, sau khi thưởng thức trọn vẹn tác phẩm này, tôi đã có câu trả lời: tôi hoàn toàn không tiếc nuối, tác phẩm này xứng đáng được như vậy. Bởi lẽ, Chiến tranh và Hòa bình không chỉ cung cấp cho tôi câu chuyện, văn phong, quan điểm của Lev về cuộc đời, thông qua tác phẩm này và chính quá trình đọc nó, tôi còn học được bài học về sự kiên nhẫn: kiên nhẫn để đối mặt với một thứ cần mất nhiều thời gian, kiên nhẫn để tiếp thu những kiến thức mới, kiên nhẫn để lắng nghe một ai đó. Đọc Chiến tranh và Hòa bình tôi mới thấy rằng việc đọc cũng không khác gì việc lắng nghe, chúng chỉ khác nhau ở hình thức nhưng về bản chất là tương đương. Một người lắng nghe tốt là người cởi mở, không phán xét, chịu khó tiếp thu, dành toàn sức lực để chăm chú nghe và hết sức kiên nhẫn. Những phẩm chất đó cũng có thể tìm thấy ở một người đọc tốt.

Ngoài ra, Chiến tranh và Hòa bình cũng đem lại cho tôi chút tự tin về tương lai đọc sách của mình. Một quyển sách dày, đầy thách thức như Chiến tranh và Hòa bình mà tôi đã có thể đọc hết, không bỏ dở thì trong tương lai, mỗi lần phải đối diện với bất kì quyển sách khó đọc nào, tôi tin rằng chỉ cần cố gắng nhớ lại khoảng thời gian đọc Chiến tranh và Hòa bình, tôi sẽ có được nguồn động viên để đi đến cuối cuộc hành trình của quyển sách ấy.

#25 How long it takes to read War and Peace?

Tuy đã vượt qua được sự hoài nghi, tôi vẫn cảm thấy lẽ ra mình có thể đọc xong Chiến tranh và Hòa bình trong thời gian ngắn hơn. Vậy nên, tôi đâm ra tò mò không biết những người khác thường đọc xong Chiến tranh và Hòa bình trong bao lâu. Tôi lên mạng search câu: “How long it takes to read War and Peace?” và ra trang này:

http://www.shortlist.com/entertainment/books/how-long-it-takes-to-read-the-worlds-most-popular-books.

Lại là một trang của Shortlist. Trong bài viết trên, dựa trên tốc độ đọc trung bình của một người bình thường là 300 chữ/phút, Shortlist cho rằng mất khoảng 32.63 tiếng để đọc Chiến tranh và Hòa bình. Nếu tính trung bình một người đọc sách khoảng 8 tiếng/ngày thì mất chừng 4 – 5 ngày là đã có thể đọc xong Chiến tranh và Hòa bình. Ngẫm nghĩ kĩ, đây không phải là điều quá tầm khả năng với nhiều người đọc. Trước đây, tôi cũng có tốc độ đọc trung bình từ 250-300 chữ/phút như bao người bình thường. Qua nhiều năm trời, bây giờ con số này có lẽ chỉ còn bằng phân nửa so với lúc trước. Vậy nên, tôi cảm thấy buồn khủng khiếp khi nghĩ đến việc người bình thường chỉ mất 4 – 5 ngày, hoặc tối đa một tuần tập trung là đọc xong Chiến tranh và Hòa bình; trong khi đó, tôi mất đến những 24 ngày – khoảng thời gian gấp 3 ~ 6 lần so với người đọc thông thường. Liệu có ai đó cũng đọc Chiến tranh và Hòa bình chậm như tôi không? Tồi liền kéo xuống phía dưới trang và phát hiện thời gian hoàn thành Chiến tranh và Hòa bình với nhiều người cũng rất khác nhau: có người chỉ đọc trong hai, ba ngày, có người đọc trong một tuần, hai tuần, ba tuần (giống tôi), hay một tháng, ba tháng, nửa năm, thậm chí một năm cũng có; bên cạnh đó, cũng có một số người đã bỏ dở Chiến tranh và Hòa bình. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy số lượng người đọc Chiến tranh và Hòa bình nhanh hơn tôi nhiều hơn hẳn số lượng người đọc Chiến tranh và Hòa bình với thời gian bằng hoặc chậm hơn tôi. Rốt cuộc, tôi biết rằng mình không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận một sự thật phũ phàng: tôi là người đọc chậm, không phải chậm bình thường mà là cực kì chậm. Đây không phải là điều mới mẻ với tôi. Tôi đã biết điều này cách đây năm năm về trước. Thế nhưng, Chiến tranh và Hòa bình lại một lần nữa tô đậm thêm nỗi buồn của tôi về việc đó. Vậy là, niềm vui hoàn thành Chiến tranh và Hòa bình nhanh chóng sớm qua, nhường chỗ cho nó là nỗi buồn muôn thưở về tốc độ đọc, thời gian đọc. Tôi đã từng tìm đọc và áp dụng một số phương pháp tăng tốc độ đọc. Tuy nhiên, qua một thời gian, tôi nhanh chóng bỏ các phương pháp đó vì thấy rằng chúng chỉ hợp khi áp dụng với sách giáo khoa, sách nghiên cứu, những sách trình bày quan điểm của tác giả theo từng đề mục rõ ràng chứ không phải sách văn học. Tôi vẫn muốn đọc sách văn học với một lượng thời gian đủ để bản thân cảm nhận văn phong, nhịp điệu, không khí, cảm xúc của nhân vật hơn là chỉ đọc để nắm nội dung. Tôi biết một số người đọc vẫn có thể cảm nhận đầy đủ về tác phẩm theo cách như tôi mong muốn nhưng lại đọc nhanh hơn tôi. Tuy vậy, tôi không thể gượng ép bản thân mình hơn nữa sau nhiều lần cố gắng nhưng thất bại. Thế nên, tôi đành chấp nhận việc đọc chậm vì tôi muốn thưởng thức tác phẩm văn chương theo cách bản thân mình cảm thấy thoải mái nhất.

#26 Cười đau bụng với những comment 1* trên Goodreads

Khi đọc xong Chiến tranh và Hòa bình, tôi rất tò mò không biết cảm nhận của mọi người về tác phẩm này như thế nào. Tôi vào Goodreads và thử đọc một số đánh giá của bạn đọc nước ngoài. Trên Goodreads, War and Peace có số điểm trung bình là 4.1*. Để có được con số này, lẽ đương nhiên, số người cho tác phẩm này 5* vẫn là nhiều nhất với 44%, số người cho 4* chiếm 31%, 3* là 16%, 2* là 5%, 1* là 2%. Có thể thấy, số người cho War and Peace 1* chiếm tỉ lệ rất ít. Tuy nhiên, 178 168 người đã đánh giá về quyển này trên Goodreads. Vậy nên, con số 2% đó bao gồm đến 4532 người. Đầu tiên, tôi đọc lướt qua những comment 5* và 4*, chúng đều rất dài, đều hết lời khen War and Peace, trong đó có nhiều người nêu lên những suy nghĩ rất sâu về tác phẩm này. Tuy nhiên, không hiểu sao việc đọc comment khen không khiến tôi tò mò cho bằng những comment chê tác phẩm với mức điểm 1*. Có lẽ, nguyên nhân là vì tôi nhận thấy việc chê hay thừa nhận không thể nuốt nổi War and Peace – một tác phẩm được xếp vào hàng kinh điển, đòi hỏi người bình luận cần có sự can đảm, thẳng thắn nhất định để nêu lên ý kiến của mình. Do đó, tôi rất muốn đọc thử xem họ chê War and Peace như thế nào. Kết quả là, tôi được một trận cười đau bụng ngoài dự kiến với những comment hài hước kinh khủng. Và như những comment khen, comment chê War and Peace cũng được viết rất dài. Có vẻ là dù xét trên khía cạnh tích cực hay tiêu cực, tác phẩm này đều để lại cho người đọc nhiều điều bức bối cần giải tỏa. Dưới đây, tôi sẽ trích ra một vài comment tiêu biểu.

Emma:

“…This was worse than a textbook. This was a textbook that came with the annoying, opinionated professor built in! The only slightly interesting parts of this book were the lives of Natasha and Ellen and that only accounts for maybe 15% of the total. This book is so bad it has two epilogues. That right there should be warning enough to you to stay far, far away from War and Peace. Don’t be as dumb as me.

I wish I had never picked this up. I am an angrier, more cynical person for it. If Tolstoy wasn’t already dead, I would wish him so.”

Wendy:

“Having finally finished this piece of crap, I have several things to say:

1) YAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAAY!!!!

2) I hope Tolstoy was as miserable upon publication of this as I was while reading it.

3) This was the second-worst thing I’ve ever read. The first-worst thing I ever read was The Great Gatsby. I wonder if F. Scott Fitzgerald was a Tolstoy fan?

4) How many trees had to die for this book to be printed? It should be a law that they can only print five copies a year, and only on recycled paper.

5) Why did I want to read this again?

I’m sorry to all of you who liked it. But for me, it was torture. Nailing my lip to the floor would’ve been less painful…”

Alyce:

“…This year, I tried, unsuccessfully, to read this monster of a novel. Twice. The third time I went into it with my teeth gritted and sheer stubbornness. I refused to let yet another Tolstoy novel threaten the completion of my reading challenge (why do I do this to myself every year? Selective amnesia? Bragging rights? [not worth it, BTW]). I had to chop it up into tiny segments of twenty five pages a day over several months to get through it. It’s like taking medicine–you just force it down. Half the time, I don’t know who is who or what they are doing. I hated the war. I hated the peace. I hated everything. Hate, hate, hate. So much hate in my heart for Tolstoy…”

Samantha:

“Me: I don’t understand why War and Peace is so critically acclaimed.

Him: [sarcastically] That’s just because you’re not reading it correctly so you’re not picking up on the hidden symbolism and themes.

Me: There is literally no symbolism. You can’t even pretend there’s symbolism with this book. And as far as themes go, the only theme is everyday life. War isn’t even a theme. Or peace. Or anything besides the mundanity of everyday.

Him: [laughs]

Me: It’s just a recounting of daily events. It doesn’t even fit the criteria of a book. There’s no overarching plot which needs to be resolved within the confines of the book.”

Justin Stanley:

War and Peace? More like Bore and Peace.”

#27 Rating của tôi

Tôi có chút phân vân giữa việc cho Chiến tranh và Hòa bình 4* hay 5* trên Goodreads. Điều duy nhất tôi bất bình về Chiến tranh và Hòa bình là nhiều đoạn Lev viết lặp ý – đó cũng là nguyên nhân tôi trừ tác phẩm này 1*. Nhưng sau một lúc đắn đo, cuối cùng, tôi vẫn quyết định cho Chiến tranh và Hòa bình 5*. Đơn giản vì bản thân sự tồn tại của tác phẩm này đã là một điều tuyệt vời, vĩ đại và tôi thực lòng biết ơn Tolstoy vì đã dành sáu năm quí giá của cuộc đời để viết nó, để tôi có thể đọc nó trong vòng ba tuần mà cảm giác như đã sống thêm cả chục năm, để sau khi đọc xong tôi cảm thấy bản thân mình già dặn hơn và đồng thời cũng tươi trẻ hơn.

#28 Những chặng đường kế tiếp

Chiến tranh và Hòa bình mới chỉ là tác phẩm thứ hai của Tolstoy mà tôi đọc sau A Confession. Vẫn còn rất nhiều tác phẩm khác của ông mà tôi muốn đọc; trong đó, dĩ nhiên là có Anna Karenina. Không biết đến khi nào tôi mới có thể thu xếp thời gian để đọc tiếp các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, tôi biết tất cả đều có độ dài ngắn hơn Chiến tranh và Hòa bình và tôi tin rằng, chỉ cần quyết tâm, tôi có thể đọc hết chúng.

Vậy là, ghi chép về quá trình đọc Chiến tranh và Hòa bình của tôi kết thúc ở sắc thái thứ 28, không đủ 50 sắc thái như cuộc tình của Anastasia và Christian rồi. Nhưng cuộc tình với 28 sắc thái này là thứ sẽ theo tôi suốt cả đời, thứ động viên tôi tiếp tục đọc và viết. Tôi không sợ sẽ quên nó nữa. Đơn giản vì giờ đây, tôi đã hoàn thành xong bản ghi chép về tháng ngày đẹp đẽ ấy. Tôi có nó rồi. Vậy nên, mỗi khi cảm thấy không ổn, mỗi khi sắp sửa quên nó, tôi sẽ mở bài viết này ra và đọc. Như thế, rồi mọi thứ cũng sẽ ổn thôi. Chắc chắn, sẽ ổn.

Kodaki
2:22 am
23.1.2017

9 thoughts on “50 sắc thái của tôi khi đọc Chiến tranh và Hòa bình

  1. Em đọc mà có cảm tưởng như mình đã ở sát bên, chung sống cùng chị trong từng khoảnh khắc của 24 ngày ấy. Thật sự em thấy xúc động và đồng cảm, bởi những điều chị trải lòng ở đây có rất nhiều điểm giống với tâm trạng của em trong suốt thời gian chuyển ngữ Interview With The Vampire. Nhất là ở đoạn chị phân tích xu hướng đi sâu và tẽ nhánh chi tiết đến mức chằng chịt của Lev. Chị còn nhớ không? Em đã từng chia sẻ điều tương tự về văn phong của Anne Rice.

    Đọc một cuốn sách khó và dài đến mức làm mình ngộp thở, nhưng buộc phải tiếp tục chiến đấu cho đến cùng – cảm giác này tìm được người để chia sẻ đúng là sự cứu rỗi cho em.

    Liked by 2 people

    1. Đúng thật em ơi. Nhiều lần c cũng định nói với em nhưng sợ nói ra dài quá, lâu quá khiến em nản mà c có nhiều cái bức xúc, nhiều điều muốn giải tỏa, muốn chia sẻ về khoảng thời gian đọc quyển này lắm. Vì vậy, c đã viết bài này nè, không ngờ nó dài quá xá dài luôn. 25 trang A4 trong Word lận. Vậy nên, c càng cảm kích biết bao nhiêu khi em đã dành thời gian quí giá để đọc nó. Cảm ơn em vì đã đọc.

      C vẫn nhớ những gì em chia sẻ về Interview With The Vampire, lúc đọc War and Peace, quả thực c cũng có tự hỏi không biết Anna Rice có viết chi tiết đến như vậy không. Thực ra, Interview With The Vampire nằm trong danh sách những quyển c sẽ đọc hồi năm ngoái, trong đợt nghỉ đó ấy em. Nhưng rốt cuộc việc viết review phim W lấy mất thời gian c nhiều quá, đọc War and Peace cũng lâu hơn ngoài dự kiến nên c không kịp có thời gian đọc Interview With The Vampire lẫn dựng phim luôn :((. C định là đợt nghỉ 4 ngày lễ giỗ tổ Hùng Vương sẽ đọc Interview With The Vampire nè. Có gì khi nào c đọc xong, mình cùng bàn luận lại nhé.

      Liked by 1 person

  2. À thấy bạn nói chưa đọc Anna Karenina nên mình tiết lộ cho bạn vui và có hào hứng là tolstoy trở nên vĩ đại là nhờ nàng Anna chứ không phải chiến tranh và hòa bình nhé. Tất nhiên “war and peace” cũng là kiệt tác nhưng chắc chắn là không thể so sánh nổi vs nàng Anna được. Hình dung đơn giản thì các tác phẩm của tolstoy như sau
    Anna karenina > war và hòa bình > the death of ivan ilyich > và các tác phẩm #
    Còn nếu nói là dài + buồn ngủ + kiệt tác = in search of lost time của marcel proust
    p/s: tất nhiên đấy chỉ là quan điểm cá nhân hihi

    Liked by 1 person

    1. Cảm ơn bạn nhiều nhé. Hiện tại đến thời điểm này mình vẫn chưa đọc Anna Karenina, không phải vì không muốn đọc mà là chưa tìm ra được thời gian :'(. Còn những sách văn học kiệt tác mà dài thì mình nghĩ nếu có sức khỏe dẻo dai, đầu óc minh mẫn (cái này tuổi trẻ thường có nhiều hơn) chắc chắn là sẽ không cảm thấy buồn ngủ. Chuyện cảm thấy buồn ngủ nhiều khi nó chỉ thiên về mặt thể chất chứ không phải tinh thần. Trong trường hợp Chiến tranh và Hòa bình, mình đọc cảm thấy dễ buồn ngủ phần lớn là vì lúc đó sức khỏe yếu quá.

      Like

    1. Hic, mình cũng chưa đọc Những người khốn khổ dù đã mua nó vào năm ngoái cùng với Chiến tranh và hòa bình. Còn file ebook thì mình down gần mười năm rồi mà chưa đọc, vậy nên năm ngoái mới mua sách giấy để có động lực đọc, để nó nhắc nhở mình phải đọc. Kiểu này chắc có lẽ cũng phải gần đến tuổi 30 mình mới đọc xong Những người khốn khổ :'(.

      Liked by 1 person

      1. Không liên quan nhưng bạn cho mình xin địa chỉ facebook được không? Lần mò từ fb sang đây mà lỡ tay xóa tab cmn nó mất :< Mình có chút việc cần liên lạc với bạn, mong bạn không ngại 😀

        Liked by 1 person

  3. đọc bài viết của chủ nhà mới thấy thì ra mình đã từng có một thời kiên nhẫn đến vậy, em đọc bộ war and peace này hồi cuối cấp 2, mất 3 mùa hè mới xong, mỗi mùa 1 cuốn ><. Mà coi bộ chắc nhờ vậy mới cày được hết bộ này, lúc đọc xong thấy mừng kinh khủng. Giờ ngẫm lại không biết có nên xem đây là thành tựu trong đời không ^^. Hiện tại e đang chiến đấu với Sông đông êm đềm, tuy không dài bằng nhưng không hiểu sao lại còn đọc chậm hơn cả war and peace.

    Liked by 1 person

    1. Wow, thật ngưỡng mộ em đã có ý thức và rất kiên nhẫn đọc tác phẩm kinh điển này khi còn nhỏ tuổi như vậy. Mình nghĩ có thể xem nó như một thành tựu nho nhỏ của em được. Vì khoảng cách thời gian giữa mỗi cuốn khá lâu mà em vẫn có thể tiếp tục đọc, không bỏ dở trong khi rất nhiều người đã bỏ cuộc vì khi dừng lại một thời gian dài rồi sau đó mới đọc tiếp, họ lại quên nhân vật và một phần cốt truyện trước đó. Mình thì mãi đến năm 26 tuổi mới đọc. Mình cũng chưa đọc Sông đông êm đềm nữa. Thật nể phục em. Chúc em luôn có những trải nghiệm đọc thú vị. Cảm ơn em đã đọc bài viết của mình.

      Like

Leave a reply to Zero8 Cancel reply