Hồi ức kẻ sát nhân


Khi Hồi ức kẻ sát nhân được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1992, giới phê bình Pháp đã không ngần ngại gọi tiểu thuyết này là tác phẩm của một thiên tài, phần lớn là vì chính chất lượng của tác phẩm và văn phong hơn là sự kịch tính của nội dung câu chuyện. Sức mạnh ẩn chứa bên trong tiểu thuyết này khiến một số người nghi ngờ không biết liệu một người phụ nữ trẻ chỉ mới 25 tuổi có thể nào là tác giả của nó hay không. Có lẽ thành công lớn nhất trong tác phẩm đầu tay của Nothomb chính là việc toàn bộ cuốn tiểu thuyết này được viết bằng ngôn ngữ hội thoại. Không hề có sự miêu tả gượng ép, cũng không hề có những từ ngữ hoa mĩ nhưng độc giả vẫn tin rằng Tach vừa là một thiên tài, vừa là một người xảo quyệt.

Hoi uc ke sat nhan

Hồi ức kẻ sát nhân không phải thuộc dạng văn chương người đọc dễ dàng bắt gặp hàng ngày. Trong tiểu thuyết này tràn ngập những chi tiết quái dị đồng thời vẫn đủ sức đem lại sự hứng khởi thách thức độc giả nhớ lại lí do tại sao ban đầu mình thích đọc sách. Chẳng hạn như lần cuối cùng bạn đọc một cuốn sách được viết hoàn toàn bằng ngôn ngữ đối thoại là khi nào? Có phải rằng đó là một tiểu thuyết tình cảm lãng mạn đơn giản mà bạn chọn đọc khi mới bắt đầu tập đọc sách không? Và rồi sau này, khi ngày càng đọc nhiều sách, bạn nhận ra rằng một quyển sách được cấu tạo gần như hoàn toàn bằng các đoạn đối thoại qua lại có nguy cơ rất cao là dễ khiến bạn chán ngán khi chưa đọc tới 10 trang. Ví dụ như thế để thấy, nếu một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn không có nhiều những phần trần thuật hay tự sự xen kẽ giữa các đoạn đối thoại sẽ rất dễ gây nhàm chán cho độc giả. Vậy mà Amelie Nothomb lại xây dựng được một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn cấu thành từ những đoạn đối thoại; hơn nữa, lại còn là một tác phẩm khó đọc, chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa chứ không phải thứ văn chương dễ dãi. Đây là một thành công hiếm hoi thực sự rất đáng khen ngợi. Nhưng cũng chính vì thế, Hồi ức kẻ sát nhân giống như tập hợp một chuỗi những suy tưởng của chính Amelie về việc viết thông qua đối thoại giữa các nhân vật hơn là một tiểu thuyết thực sự.

Cũng như đề tài của rất nhiều nhà văn lựa chọn khi mới khởi nghiệp, trong Hồi ức kẻ sát nhân, Nothomb cũng chọn đề tài tương tự: cô viết về việc viết. Nhưng không như những người trước và sau cô, khía cạnh tiếp cận của Nothomb chẳng phải theo hướng tự đánh bóng bản thân. Thực tế, quyển tiểu thuyết này vừa mang vẻ ngoài thô ráp, vừa đồng thời khiến người ta cảm thấy sợ hãi. Ví dụ như, có một chi tiết trong truyện là Tach khẳng định rằng để trở thành một nhà văn, người ta chỉ cần “hai hòn dái, một dương vật, môi và bàn tay” mà thoạt tiên nghe qua dễ khiến độc giả có cảm giác đây là những thứ cần cho một tay điếm rẻ tiền nào đó hơn là bậc văn hào trí thức. Có lẽ vì Hồi ức kẻ sát nhân mang những yếu tố khó tiếp cận đối với một độc giả thông thường như thế nên mặc dù những tác phẩm khác của Nothomb rất phổ biến trên thị trường sách quốc tế thì ngay chính tác phẩm đầu tay của nhà văn Bỉ này mãi đến tận năm 2010 mới được dịch sang tiếng Anh (ở thị trường Việt Nam, Nhã Nam đã xuất bản tác phẩm này vào năm 2009). Dù có khoảng cách cả hơn một thập kỉ như thế, nhưng ngày nay, khi đọc Hồi ức kẻ sát nhân, độc giả không hề cảm thấy mất đi sự hứng thú. Những gì Amelie Nothomb đã đề cập trong tác phẩm này vẫn còn mang tính thời sự đến tận bây giờ như: sự a dua chạy theo thông tin thời thượng một cách mù quáng của giới truyền thông, sự lan truyền thông tin của một đám đông bị chính giới truyền thông đó điều khiển trong khi bản thân từng người lại không hiểu thấu đáo bản chất vấn đề… Qua tác phẩm này, người ta hiểu được vì sao ngay từ khi mới xuất hiện, Amelie Nothomb đã là một gương mặt văn học trẻ đầy triển vọng, hứa hẹn sẽ có nhiều tác phẩm văn học xuất sắc hơn nữa trong tương lai. Và quả thật, trong suốt hai thập niên vừa qua, gần như mỗi năm, Nothomb đều xuất bản sách mới rất đều đặn; trong đó có nhiều cuốn được dịch sang những ngôn ngữ khác nhau và giúp cô giành được rất nhiều giải thưởng văn học cao quí.

Kodaki
dịch và tổng hợp từ nhiều nguồn
15.4.2014

Leave a comment